SỰ TÍCH CÂY NÊU NGÀY TẾT

SỰ TÍCH CÂY NÊU NGÀY TẾT

Admin - 09/01/2024 11:47 AM
SỰ TÍCH CÂY NÊU NGÀY TẾT

    Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
    Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.

    ♪ Văn học dân gian Việt Nam, hơn cả những yếu tố về thẩm mỹ, nhịp điệu, là sự chứa đựng những giá trị tinh thần, bài học kinh nghiệm, bảo tồn văn hóa của dân tộc mà ông cha ta gìn giữ suốt hàng thế kỉ. Câu đối quen thuộc mà mỗi dịp Tết đến Xuân về, chúng ta lại thấy đâu đó trên những lời đề tựa, trong những tờ giấy đỏ, hay nghe qua tiếng trẻ con ngâm nga. Hai câu thơ, 14 chữ, được đúc kết thành từ bề dày những truyền thống, sản vật, phong tục ngày Tết cổ truyền của nền văn minh lúa nước. Đến tận bây giờ, trên mâm cơm ngày Tết của người Việt, dẫu tại đất mẹ hay tha phương xứ người, vẫn xuất hiện thịt mỡ, củ kiệu dưa hành, bánh chưng bánh tét… Người Việt quây quần bên mâm cơm ấm cúng trong tiếng pháo nổ ì đùng trên tivi, bỏ ngoài ngạch cửa được dán câu đối đỏ những muộn phiền, âu lo, khó khăn của năm cũ. Chỉ có cây nêu dường như đã vắng bóng từ rất lâu rồi trong đời sống hiện đại, người trẻ nơi thị thành ngày nay ít còn có dịp được nhìn thấy, biết đến nguồn gốc và ý nghĩa của cây nêu ngày Tết nữa.

    ♪  Bắt nguồn từ huyền thoại trong Phật giáo, dựng cây nêu ngày Tết đã trở thành phong tục truyền thống của người Việt. Truyện kể xưa kia Quỷ hoành hành trên mặt đất, Người muốn có ruộng để cày cấy phải làm thuê cho Quỷ, bọn chúng xảo quyệt, lừa lấy hết nông sản của con người. Được Đức Phật gợi ý, Người biết cách trồng những loại nông sản khác nhau, vượt qua được những yêu cầu vô lý của Quỷ mà giữ được phần lương thực cho mình. Người giao ước với quỷ được tậu một mảnh đất vừa bóng chiếc áo cà sa, bóng che đến đâu thì Người được sở hữu đến đó. Người trồng một cây tre phía trên có treo áo cà sa. Cây tre được làm phép cứ thế cao lên mãi, bóng áo cà sa che rợp cả mặt đất. Quỷ cứ phải lùi mãi không được phạm vào đất của Người, chúng bị lá dứa quất vào người, bị vôi bột ném cay mắt, chạy tít ra biển Đông. Chúng dập đầu xin một năm được vài ba ngày vào đất liền thăm phần mộ tổ tiên ngày trước. Vậy nên hằng năm, cứ đến Tết Nguyên đán là Quỷ lại kéo vào đất liền nên người dân trồng cây nêu để Quỷ không dám bén mảng đến chỗ con người làm ăn, sinh sống. 

    ♪  Đó là theo huyền thoại, còn trong cơ sở văn hóa của người Việt cổ cho rằng cây nêu là cây Thiên – Địa – Nhân, là trục của vũ trụ, là cột nối giữa đất với trời. Cây nêu phải làm bằng tre, đốt tre là bậc thang để thần linh đi lại, mang sinh khí của trời chuyển xuống mặt đất giúp ruộng đồng phì nhiêu, hội tụ sinh khí giúp mùa màng được tươi tốt. Tre phải là loại tre già, to, thẳng không được cụt ngọn. Trên ngọn để lại một phần lá tượng trưng cho mây trời. Ngoài ra trên ngọn người ta thường sẽ treo một cái lồng đèn nhỏ, hay một câu đối trên giấy đỏ, cũng có thể là dây pháo…gửi gắm nguyện ước của con người có thể chạm tới Thần linh. Ở một số nơi khác nhau thì có thể rắc thêm vôi xung quanh hoặc treo tỏi để xua đuổi tà ma hay đánh dấu đúng đường cho tổ tiên trở về ăn Tết trong gia đình những người đang sống. Cũng theo quan niệm xưa, cây nêu là biểu tượng của sự uy quyền, nhà nào có quyền thế nhất sẽ có cây nêu cao nhất.
     

    ♪  Cây nêu thường được dựng vào ngày 23 tháng Chạp, ngày đó con người đưa tiễn ông Công ông Táo về trời, không có thần linh canh giữ nên quỷ dễ hoành hành. Cây nêu có tác dụng xua đuổi quỷ dữ tránh xa vùng đất con người, là tiêu điểm tập trung dịp lễ hội, là sự gắn kết – kết nối giữa cộng đồng. “Trong mấy ngày Tết phàm các khoản nợ nần đều không được hỏi, đợi ngày hạ xong cây nêu rồi mới được đòi. Ngày Nguyên đán, bất kể sang hèn, lớn nhỏ đều no say vui chơi, người nghèo nơi thôn dã cũng đều có đủ lễ. Từ ngày dựng nêu trở đi nhà nào cũng vui chơi ăn uống không ai ngăn cấm, đến ngày hạ nêu mới thôi” (Theo Trịnh Hoài Đức trích trong Gia Định Thành thông chí). Ngày hạ nêu là ngày mùng 7 tháng Giêng. Trước khi hạ nêu cần tránh động thổ để cho đất được hội tụ sinh khí. Sau khi hạ nêu, con người trở về các hoạt động sản xuất nông nghiệp thường nhật.

    Đó là những câu chuyện còn lưu lại trong sách vở hay qua lời kể của những người lớn tuổi trong gia đình. Ngày nay, phố phường đông đúc, cuộc sống vội vã, nhiều phong tục xưa đã bị lược bớt, không còn nhiều nơi giữ gìn truyền thống dựng cây nêu ngày Tết nữa, thay vào đó, người ta chưng những loài hoa có ý nghĩa biểu tượng may mắn, sung túc đủ đầy.

    ♪  Xem thêm: Những loài hoa mang ý nghĩa may mắn ngày Tết
    Những phong tục cổ truyền sẽ dần phải thay đổi hay mai một đi theo thời gian. Nhiều người chỉ còn nghe nhắc đến cây nêu trong truyện cổ, trên báo đài chứ ít khi thấy được ở bên ngoài. Để giữ gìn những truyền thống tốt đẹp của cha ông, nhiều địa phương đã tái hiện việc dựng nêu ở những nơi sinh hoạt chung của cộng đồng, làng xã, nhằm góp phần bồi dưỡng tình yêu quê hương đất nước cho thế hệ trẻ, cũng như hoài niệm phong vị Tết xưa.

     

     

    Ý kiến của bạn
    Vui lòng nhập họ và tên
    Vui lòng nhập số điện thoại
    Vui lòng nhập địa chỉ
    Vui lòng nhập địa chỉ email
    Vui lòng nhập nội dung
    0
    Zalo
    Hotline
    0942 464 745