Ngày của Mẹ

Ngày của Mẹ

Admin - 12/05/2024 12:07 AM
Ngày của Mẹ

    Chính thức trở thành ngày lễ quốc gia ở nước Mỹ từ những năm đầu thế kỉ XX, theo dòng chảy lịch sử và sự hội nhập toàn cầu, ngày nay càng nhiều quốc gia trên thế giới kỉ niệm Ngày của Mẹ (Mother’s Day) như một ngày lễ nhằm để tôn vinh người mẹ trong gia đình, sự gắn kết của người mẹ và những ảnh hưởng của người mẹ trong xã hội. Ngày của Mẹ được tổ chức hằng năm vào ngày Chủ Nhật thứ hai của tháng 5. Năm nay, tại Việt Nam, Ngày của Mẹ 2024 rơi vào ngày 12/5. Hãy cùng TRiBAT điểm qua một số điều thú vị về Ngày của Mẹ trên khắp thế giới nhé:

    1. Từ nguồn gốc sơ khai Ngày của Mẹ:
    Truyền thống về Ngày của Mẹ bắt nguồn từ thời Hy Lạp cổ đại. Người Hy Lạp cổ đại xem mẹ là “người mang lại sự sống” và bày tỏ lòng biết ơn cũng như sự kính trọng sâu sắc của mình dành cho mẹ. Ban đầu nó là lễ tưởng niệm và tôn vinh nữ thần Rhea, con gái của Đất Mẹ, được mệnh danh là 'Mẹ của các vị thần', đại diện cho thiên nhiên và khả năng sinh sản. Về sau dù ảnh hưởng của Thần thoại Hy Lạp lên đời sống xã hội không còn nhiều nữa, nhưng người Hy Lạp vẫn dành một ngày để tôn vinh những người mẹ. Lễ kỷ niệm rất giống với Ngày của Mẹ ở Mỹ sau này, rơi vào ngày chủ nhật thứ hai của tháng năm. 
    Tiếp biến văn hóa Hi Lạp, người La Mã cổ đại cũng tổ chức lễ hội mùa xuân của riêng họ, được gọi là Hilaria để vinh danh Cybele – nữ thần sinh sôi nảy nở. Lễ hội này được tổ chức vào ngày Ides of March (15 tháng 3) bằng cách cúng dường trong đền thờ Cybele.
    Những người theo đạo Cơ đốc thời kỳ đầu cũng kỷ niệm Ngày của Mẹ - đó là một phần của truyền thống Mùa Chay, giai đoạn dẫn đến Lễ Phục sinh. Lễ kỷ niệm này tôn vinh Đức Trinh Nữ Maria (Mẹ Chúa Kitô) và được tổ chức vào Chúa Nhật thứ tư Mùa Chay. Lâu dần lễ kỷ niệm này được gọi là Chủ nhật Mẹ, một ngày lễ được tổ chức rộng rãi ở Anh.


    2. Đến Ngày lễ Quốc gia:
    Năm 1860, một người phụ nữ Mỹ, bà Ann Reeves Jarvis đã thành lập một nhóm nhỏ dạy những phụ nữ địa phương cách chăm sóc con cái tốt nhất. Sau đó nhóm này đã tổ chức “Ngày của tình Mẹ” với mong muốn gắn kết lại tình cảm gia đình vốn đã bị chia cắt bởi nội chiến của các cựu quân nhân.
    “Ngày của Mẹ” chính thức được tạo ra vào những năm 1900 bởi con gái của Ann Reeves Jarvis, Anna Jarvis. Sau cái chết của mẹ cô vào năm 1905, Anna đã tìm cách chính thức hóa một ngày tôn vinh những hy sinh mà các bà mẹ đã dành cho con cái mình. Sau nhiều nỗ lực, cô đã tổ chức lễ kỷ niệm “Ngày của Mẹ” (Mother’s Day) đầu tiên tại nhà thờ Andrew's Methodist Church vào năm 1908.
    Cùng với lễ kỷ niệm riêng của Anna Jarvis, các gia đình đã tụ tập tại nhiều điểm tổ chức sự kiện này ở quê hương của Jarvis ở Grafton, West Virginia và nhiều thành phố khác. Vào năm 1911, Ngày của Mẹ được tổ chức hầu hết các tiểu bang của liên bang Hoa Kỳ. Và vào ngày 8/5/1914, Tổng Thống Woodrow Wilson ký một nghị quyết ấn định ngày Chủ Nhật thứ hai của tháng Năm làm Ngày của Mẹ.
    3. Ngày của Mẹ vòng quanh thế giới


    Ngày nay, Ngày của Mẹ là một ngày lễ kỷ niệm rất phổ biến được công nhận ở nhiều quốc gia bao gồm Mỹ, Anh, Ấn Độ, Đan Mạch, Phần Lan, Ý, Thổ Nhĩ Kỳ, Úc, Mexico, Canada, Trung Quốc, Nhật Bản và Bỉ. Tại Việt Nam, bên cạnh Lễ Vu Lan báo hiếu vào Rằm tháng Bảy âm lịch, nhiều người vẫn nhân dịp Ngày của Mẹ để bày tỏ tình cảm, tấm lòng hiếu thảo và báo hiểu cho mẹ của mình.
    Mỗi quốc gia trên thế giới, Ngày của Mẹ được tổ chức theo những cách riêng. 
    Ở Anh, dù chịu nhiều ảnh hưởng Ngày của Mẹ kiểu Mỹ, họ vẫn giữ ngày truyền thống trong Mùa Chay. Một món ăn truyền thống vào Ngày của Mẹ ở Anh là bánh Simnel , một loại bánh trái cây nhẹ làm từ hạnh nhân, cũng rất phổ biến vào Lễ Phục sinh.
    Mexico đã tổ chức Ngày của Mẹ từ năm 1922. Ngày nay, ngoài việc tặng hoa, thiệp và những món quà khác cho mẹ, các gia đình còn thưởng thức các món ăn và âm nhạc truyền thống của Mexico.
    Ngày của Mẹ ở Nhật Bản ban đầu được tổ chức vào ngày 6 tháng 3 năm 1931 để kỷ niệm sinh nhật của Hoàng hậu Kojun, mẹ của Nhật hoàng Akihito, nhưng nó đã bị cấm do ảnh hưởng của phương Tây trong Thế chiến thứ hai. Năm 1949, Nhật Bản bắt đầu kỷ niệm Ngày của Mẹ vào ngày Chủ Nhật thứ hai của tháng Năm. Ngày nay, ngày này được đánh dấu bằng việc các gia đình tặng quà, thiệp và hoa cho mẹ, thường là hoa cẩm chướng đỏ, tượng trưng cho tình yêu và sự hy sinh của mẹ, đồng thời thưởng thức món trứng truyền thống của Nhật Bản.
    Ngày của Mẹ ở Ethiopia diễn ra trong dịp Antrosht, một lễ kỷ niệm kéo dài ba ngày được tổ chức bất cứ khi nào mùa mưa kết thúc, vào khoảng giữa tháng 10 và tháng 11. Các gia đình quây quần bên nhau ca hát, nhảy múa truyền thống và tổ chức một bữa tiệc gồm một món truyền thống do người mẹ làm. Nguyên liệu làm món ăn do trẻ em chuẩn bị, con trai chuẩn bị thịt cừu hoặc thịt bò, con gái chuẩn bị rau, gia vị và sữa.
    Peru kỷ niệm Ngày của Mẹ cùng ngày với Mỹ và có nhiều phong tục giống nhau, bao gồm tặng hoa và dùng bữa, nhiều người Peru cũng tôn vinh những người phụ nữ đã khuất của họ. Họ tập trung tại mộ để tưởng nhớ, thường mang hoa và đồ ăn thức uống. Truyền thống này phổ biến đến mức có rất nhiều người bán hàng rong, bán hoa, bóng bay và biển hiệu bên ngoài nghĩa trang.
    Thái Lan lần đầu tiên tổ chức Ngày của Mẹ vào vào ngày 15 tháng 4 năm 1950, gần với Songkran, năm mới của Thái Lan, nhưng nó đã được dời sang ngày 12 tháng 8 năm 1976 để tôn vinh ngày sinh nhật của Nữ hoàng Sirikit, người được coi là mẹ của dân tộc. Trẻ em tặng mẹ những vòng hoa nhài, tượng trưng cho sự thuần khiết và tình yêu, trong khi các gia đình thường cúng dường cho các nhà sư Phật giáo và quyên góp từ thiện. Các trường học tổ chức các buổi biểu diễn dành cho các bà mẹ, trong khi lễ thắp nến, diễu hành và bắn pháo hoa tôn vinh Nữ hoàng.
    Người Pháp tôn vinh mẹ của họ trên toàn quốc vào Chủ nhật cuối cùng của tháng 5, trong trường hợp rơi vào cùng ngày với ngày lễ Ngũ tuần của Cơ đốc giáo sẽ chuyển sang Chủ nhật đầu tiên của tháng 6. Mặc dù ngày này có nguồn gốc như một cách để tôn vinh những người mẹ trong những gia đình đông con và đã được tổ chức trên toàn quốc từ những năm 1920, nhưng phải đến năm 1950, chính phủ mới ấn định một ngày cố định. Giống như nhiều quốc gia khác, các gia đình Pháp tặng quà, thiệp và hoa lily cho mẹ. Sau bữa ăn, trẻ em đọc thơ và tặng những chiếc bánh hình bó hoa hoặc trái tim để cảm ơn mẹ của mình.
    Có thể thấy, dù là quốc gia, dân tộc nào, thì lòng hiếu thảo, tri ân, biết ơn đấng sinh thành cũng là nét đẹp văn hóa luôn được trân trọng, giữ gìn. Chúng ta đừng ngại ngần dành những cái ôm, những lời yêu thương, động viên đến Mẹ của mình nhé.

    Ý kiến của bạn
    Vui lòng nhập họ và tên
    Vui lòng nhập số điện thoại
    Vui lòng nhập địa chỉ
    Vui lòng nhập địa chỉ email
    Vui lòng nhập nội dung
    0
    Zalo
    Hotline
    0942 464 745