Sưu tầm
Người Nhật rải đậu rang để đuổi tà ma ra khỏi nhà. Người Trung Quốc ăn những món ăn có ý nghĩa trường thọ. Người Bali thực hiện “ngày im lặng”. Người Thái té nước vào nhau. Người Việt hái lộc, xông đất sau giao thừa. Cho dù là ở các quốc gia giàu truyền thống như châu Á hay khắp mọi nơi trên thế giới, người dân đều thích tổ chức ngày lễ đánh dấu sự khởi đầu của một năm mới - một lễ hội gạt bỏ những khó khăn nỗi niềm của năm cũ, kiếm tìm hy vọng mới, khởi đầu mới. Dưới đây là một số lễ hội năm mới nổi tiếng của các nền văn hóa khác nhau ở châu Á:
♪ Tết Songkran của Thái Lan thường được tổ chức ở Thái Lan, Lào và một số nước khác ở Đông Nam Á vào ngày 13-15/4 theo lịch phương Tây, sau khi người dân thu hoạch lúa, là thời điểm người người đoàn tụ với gia đình và tỏ lòng thành kính với người lớn tuổi, tổ tiên và Phật linh thiêng. Nước là yếu tố truyền thống quan trọng trong dịp Tết cổ truyền Songkran, tượng trưng cho sự thanh tẩy, tôn kính và may mắn. Songkran được đông đảo người dân đón nhận với các hoạt động như tắm cho các tượng Phật, té nước vào người thân và bạn bè, những người cùng tham gia lễ hội nhằm mang ý nghĩa chúc phúc cho nhau, thưởng thức các vở kịch dân gian, trò chơi, âm nhạc. Một đặc điểm nổi tiếng khác của Songkran là đua thuyền rồng; các đội chèo thuyền đẩy những chiếc thuyền dài, hẹp với tốc độ cao nhất trên sông hồ, người thắng cuộc sẽ giành được giải thưởng.
♪ Người Hàn Quốc định nghĩa Tết là ngày trăng non thứ hai sau đông chí; khoảng cuối tháng 1, đầu tháng 2 dương lịch. Các gia đình tụ tập để tổ chức lễ tưởng niệm tổ tiên và làm “Sebae", tức là lời chào đầu tiên của năm mới khi những người trẻ tuổi cúi đầu cho người lớn tuổi hơn. Họ mặc những bộ quần áo truyền thống màu sặc sỡ gọi là hanbok và ăn tteokguk (canh bánh gạo) là một món ăn truyền thống vào dịp năm mới để đánh dấu việc đã già đi một tuổi.
♪ Ở Trung Quốc, nhiều phong tục được ra đời với mong muốn mang lại may mắn trong năm mới. Trước khi bắt đầu năm tiếp theo, mọi người sẽ cố gắng trả hết “nợ nần” trong năm cũ. Trẻ em được tặng tiền, đặt trong phong bì màu đỏ (màu đỏ là màu của sự may mắn), già trẻ lớn bé đều được mặc quần áo mới. Nhà cửa được dọn dẹp sạch sẽ, dán những bức tranh giấy mới để tôn vinh thần giữ cửa, thần bếp; biểu tượng con vật của năm mới và những câu chúc may mắn như Cung hỷ phát tài.
Có lẽ đặc điểm quan trọng nhất của một bữa tiệc mừng Tết Nguyên Đán là có thật nhiều món ăn đặc biệt mang ý nghĩa may mắn: mì trường thọ, cá (vì từ “cá” trong tiếng Trung Quốc có nghĩa là “yu” cũng phát âm giống từ “dồi dào”), bánh gạo ngọt ngào cho cuộc sống giàu sang, mỹ mãn.
♪ Vào thời cận đại, Nhật Bản cũng tổ chức mừng năm mới âm lịch (Setsubun), nhưng từ năm 1873 đến nay, Nhật Bản chuyển sang đón Tết dương lịch như các nước phương Tây. Một số người ăn mừng cả năm mới theo lịch truyền thống cũng như lịch hiện đại; những người khác chỉ đơn giản là chuyển các phong tục cũ sang ngày lễ mới.
Chẳng hạn, vào dịp năm mới, nhà nào cũng quét dọn kỹ lưỡng, đậu rang rải khắp các phòng trong nhà để xua đuổi tà ma. Vào đêm giao thừa trên khắp Nhật Bản, chuông của các ngôi chùa Phật giáo rung lên 108 lần (số hạt trên một chuỗi tràng hạt Phật giáo); có nhiều cách lý giải như cho rằng 108 tiếng chuông tượng trưng cho 108 điều ước, ham muốn trần tục của con người như giàu có, ăn ngon, mặc đẹp... nhưng cũng mang đến không ít mâu thuẫn, tội lỗi. 108 tiếng chuông ngân lên giống như dấu hiệu xóa bỏ những ham muốn trần tục, để mọi người cùng nhau bắt đầu năm mới nhiều may mắn, an lành. Một cách lý giải khác dựa theo nghĩa của từ Shikuaku (Tứ khố bát khổ) trong tiếng Nhật. Cụ thể, Shikuaku có nghĩa là lối sống lo âu bộn bề, dù sống trong hoàn cảnh sung túc, đủ đầy nhưng vẫn có nhiều thứ phải lo nghĩ. Ý nghĩa của 108 hồi chuông là muốn con người bỏ qua mọi lo lắng, bộn bề để bắt đầu năm mới thoải mái, nhẹ nhõm hơn.
♪ Nếu người Nhật ăn mừng năm mới bằng tiếng chuông thì người Bali ăn mừng năm mới trong im lặng. Hầu hết người dân trên đảo Bali của Indonesia theo Hindu giáo, được du nhập từ Ấn Độ từ nhiều thế kỷ trước; và năm mới của họ, Nyepi, dựa trên âm lịch của người Hindu (hầu hết các lễ hội khác của người Bali đều tuân theo chu kỳ 210 ngày lặp đi lặp lại, không liên quan đến năm dương lịch hay năm âm lịch.) Trong đêm giao thừa điển hình của Bali, hòn đảo ngập tràn âm thanh và màu sắc. Trong nhiều tháng, người địa phương bỏ công để dựng Ogoh-Ogoh ở làng, một tượng hình nộm khổng lồ làm từ tre và giấy bồi trong hình dạng quái vật. Đến ngày lễ lớn, hình nộm được diễu hành qua phố trong các nghi thức lễ hội huyên náo cùng kịch nghệ. Họ thực hiện nghi lễ trừ tà để xua đuổi tà ác, được làm bằng những bức tượng nhỏ bằng giấy và tre tạo hình giống quái vật.
Nhưng đúng vào ngày Nyepi, là một ngày của sự im lặng, ăn chay và thiền định. Khắp đảo, đường phố vắng tanh. Không đốt lửa, đèn điện chỉnh ở mức thấp nhất, không nấu thức ăn, không bật nhạc, tắt radio và tivi. Cấm ra khỏi nhà hay nói chuyện nhiều hơn mức cần thiết. Mọi người đón năm mới trong im lặng, cung kính và thư giãn hoàn toàn.
♪ Với người Việt Nam, Tết Nguyên đán có ý nghĩa nhân văn vô cùng sâu sắc, thể hiện sự trường tồn và khao khát của con người về sự hài hòa Thiên – Địa – Nhân. Tết là sự biểu hiện của mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên trong tinh thần văn hóa nông nghiệp, với gia tộc và xóm làng trong tính cộng đồng dân tộc, với niềm tin thiêng liêng, cao cả trong đời sống tâm linh…
Bánh chưng, bánh tét là những món ăn truyền thống không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên Đán của người Việt. Đây là món quà ý nghĩa, kết nối tình thân, bạn bè. Những ngày trước Tết, nhiều gia đình, dòng họ, thôn xóm thường tụ tập cùng nhau trò chuyện, gói bánh, luộc bánh thâu đêm. Vào đúng thời khắc đêm giao thừa hoặc vào sáng sớm hôm sau, người Việt thường có thói quen đi chùa hái lộc đầu năm với mong muốn mang rước lộc về nhà để đón một năm mới thật nhiều may mắn và tỏ tấm lòng thành kính đối với đức Phật, tổ tiên.
♪ Losar là ngày lễ của toàn dân ở Tây Tạng, khi mà ai ai cũng nghỉ ngơi, thưởng thức các món ăn ngon và diện những bộ quần áo đẹp nhất. Vào những ngày đó, Hadaki (chiếc khăn dài màu trắng truyền thống) được vắt ngang những chiếc bàn thờ của gia đình và trong chùa chiền, người Tạng gặp nhau, dù lạ hay quen, đều chúc câu năm mới an khang, thịnh vượng “Losar Tashi Delek!”.
Người Tây Tạng hào hiệp, nhân từ và hiếu khách càng thể hiện rõ ràng trong những ngày Losar, người ta tin rằng tâm trạng phấn khởi, vui tươi trong dịp năm mới sẽ đảm bảo cho gia đình được cả năm hạnh phúc.
♪ Lễ hội đón năm mới lớn nhất trong năm của Sri Lanka có tên gọi là Sinhala – Tamil, được tổ chức vào ngày 14-4 hằng năm, nhà nào cũng trang trí trước cửa với hai cây chuối còn nguyên hai quầy trĩu quả cùng một tháp dừa rất to. Cây dừa con nảy mầm từ bên trong quả dừa còn nguyên vẹn, cây chuối con được sinh ra từ gốc thân chuối mẹ. Vì thế, dừa và chuối là những vật phẩm không bị hoen ố, nhiễm bẩn, được chọn để dâng cúng.
Người địa phương còn giải thích thêm chuối là biểu tượng của sự sống vĩnh cửu, bởi cây sinh sôi không ngừng và bởi giá trị “đa dụng” từ thân, lá, quả.
♪ Thời điểm giao thừa ở Philippines được gọi là Media Noche, nơi các gia đình cùng nhau tổ chức bữa tiệc lúc nửa đêm để chào mừng một năm thịnh vượng phía trước. Trên bàn thường có trái cây hình tròn - một truyền thống bắt nguồn từ Trung Quốc - vì hình dạng này tượng trưng cho sự may mắn. Món ăn thường được ăn trong dịp Tết Nguyên đán ở Philippines bao gồm các món xôi, chẳng hạn như biko, bibingka và nian gao, vì nó được cho là giúp gắn kết các thành viên trong gia đình lại với nhau. Pancit (mì dài) còn được thưởng thức để giúp mang lại sức khỏe, trường thọ và may mắn cho năm mới.
Một trong những phong tục độc đáo nhất trong dịp Tết Nguyên đán ở Philippines là chọn mặc đồ chấm bi vì hình tròn tượng trưng cho sự thịnh vượng, tiền bạc và may mắn.