Trong cuộc sống đầy áp lực với sự biến đổi không ngừng hiện nay, chúng ta thường nghe đến thuật ngữ "sức khỏe tâm thần" hay khái niệm "chữa lành". Đó là khái niệm chỉ sự hàn gắn và hồi phục về cả tinh thần, tình cảm và thể xác của con người. Có nhiều cách giúp "reset" lại năng lượng cho cơ thể mà không cần phải đi đâu xa xôi hay tốn kém tiền bạc, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng gần gũi với thiên nhiên cũng là "liệu pháp chữa lành" hiệu quả. Vậy bạn đã biết các cách làm cho cơ thể và tinh thần luôn cảm thấy thư thái hay chưa?
1. Đi bộ và trò chuyện
Một nghiên cứu được đăng tải trên Tạp chí Consulting and Clinical Psychology của Mỹ cho thấy liệu pháp đi bộ kết hợp trò chuyện cũng hiệu quả tương tự liệu pháp trò chuyện truyền thống nhằm điều trị trầm cảm. Trong các liệu pháp tâm lý truyền thống, đi bộ và thư giãn giúp chúng ta tận dụng những sức mạnh chữa lành từ thiên nhiên, hưởng lợi từ việc tập thể dục và hít thở bầu không khí trong lành trong lúc nói chuyện về những vấn đề của bản thân. Cơ thể và tâm trí chúng ta được thả lỏng, không ngừng hướng về phía trước, đồng thời thúc đẩy những ý tưởng mới mẻ, sâu sắc. Ngoài ra, tập thể dục cũng giải phóng endorphin, một loại hoá chất tự nhiên có thể cải thiện tâm trạng, đem lại sự vui vẻ và hạnh phúc.
Tim Liu, huấn luyện viên thể dục và dinh dưỡng trực tuyến và là thành viên của Ban chuyên gia y tế trang web Eat This, Not That! thì cho rằng: “Bạn có thể đốt cháy nhiều calo hơn khi đi bộ bằng cách tăng tốc độ của mình, đi lên dốc hoặc tập tạ nhẹ khi di chuyển”, từ đó có thể giảm thiểu nguy cơ mắc nhiều vấn đề sức khỏe như béo phì, trầm cảm, bệnh tim, huyết áp cao và tiểu đường.
Đi bộ có tác động tích cực đến khả năng học tập nói chung, đặc biệt ở trẻ em. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng đi bộ giúp cải thiện khả năng nhận thức của trẻ trong độ tuổi 4-7 và 11-13, hai giai đoạn phát triển và trưởng thành của hệ thần kinh trung ương. Ở người cao tuổi, hoạt động thể chất làm chậm sự thoái hóa của các tế bào thần kinh.
2. Liệu pháp làm vườn
Nguồn gốc của liệu pháp làm vườn được thành lập vào đầu thế kỷ 19 bởi bác sĩ Benjamin Rush, người được xem là "cha đẻ của ngành Tâm thần học Hoa Kỳ". Tuy nhiên liệu pháp này được phổ biến rộng rãi hơn cả là vào giai đoạn nhiều quốc gia trên thế giới áp đặt lệnh hạn chế đi lại để ngăn dịch COVID-19, nhiều người đã tìm đến công việc làm vườn như một thú vui để giải khuây.
Thiên nhiên luôn mang lại cho con người cảm giác thư thái, thanh bình, vì vậy các hoạt động gắn kết với thiên nhiên vừa đòi hỏi con người rèn luyện thể chất, nâng cao sức khỏe, vừa có tác dụng làm thư thái tâm hồn, thỏa mãn về tâm lý. Liệu pháp làm vườn là sử dụng thực vật và các hoạt động dựa trên thực vật nhằm mục đích chữa bệnh và phục hồi chức năng cho con người. Ngày càng có nhiều nghiên cứu chứng minh các giá trị độc đáo của công việc làm vườn như một phương pháp trị liệu cho những người khuyết tật về thể chất, tinh thần, cảm xúc. Một ưu điểm nổi bật của phương pháp trị liệu này là có thể áp dụng cho tất cả mọi người với tỉ lệ thành công rất cao.
Liệu pháp làm vườn giúp cải thiện trí nhớ, khả năng nhận thức, kỹ năng ngôn ngữ và hòa nhập xã hội. Trong phục hồi thể chất, liệu pháp làm vườn có thể giúp tăng cường cơ bắp và cải thiện khả năng phối hợp, thăng bằng và sức bền.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người sống gần không gian xanh như công viên hoặc rừng có tốc độ lão hóa chậm hơn so với những người sống trong môi trường đô thị đông đúc. Cứ thêm 5% không gian xanh trong khu vực lân cận sẽ làm giảm 1% quá trình lão hóa tế bào.
3. Tắm rừng
Rời xa các khối bê tông trong thành phố, Người Nhật có một phương pháp trị liệu gần gũi với thiên nhiên mang tên “tắm rừng" hay shinrin-yoku. “Shinrin” có nghĩa là rừng còn “yoku” là tắm. Khái niệm này ra đời năm 1982 khi mà Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Nhật Bản khuyến khích con người hãy duy trì lối sống gần gũi với thiên nhiên để phát triển và bảo vệ môi trường. Một trong những lợi ích rõ ràng của việc đi dạo trong thiên nhiên là tránh xa màn hình máy tính và các thiết bị công nghệ. Đồng thời, khi tận hưởng thiên nhiên, chúng ta cũng sẽ không còn những suy nghĩ miên man, lo lắng và ám ảnh. Thay vào đó, chúng ta được nghỉ ngơi và cho phép bản thân có thời gian để nạp năng lượng và trân trọng cuộc sống.
Yoshifumi Miyazaki, giáo sư tại Đại học Chiba tại Nhật Bản, đã nghiên cứu những lợi ích của việc tắm rừng và phát hiện ra rằng những chuyến đi bộ thư giãn trong rừng giúp con người giảm 12,4% hormone gây căng thẳng, so với những chuyến đi bộ trong thành phố.
Bên cạnh đó, cơ thể chúng ta cũng được hưởng lợi khi hệ miễn dịch cũng được tăng cường. Đã có nghiên cứu cho thấy việc tắm rừng mỗi tháng thực sự giúp làm tăng các tế bào tiêu diệt tự nhiên (natural killer cells). Đây chính là những “người bảo vệ” của cơ thể khỏi các vi trùng và vi sinh vật. Đó là lý do mà khi du lịch tại các khu vực sinh thái núi rừng, chúng ta đều thấy cơ thể và tinh thần khỏe mạnh hơn.
4. Liệu pháp phiêu lưu
Liệu pháp phiêu lưu là một loại liệu pháp trải nghiệm, sử dụng các hoạt động phiêu lưu đầy thử thách để hỗ trợ quá trình trị liệu. Liệu pháp này giúp thúc đẩy sự phát triển năng lực bản thân, sự can đảm, khả năng giao tiếp, giảm lo âu trầm cảm. Ngoài ra khi cùng thực hành theo quy mô của gia đình hay cặp đôi, đội nhóm, đây có thể là một trải nghiệm mang tính gắn kết.
Ở phương pháp trị liệu này, những người tham gia phải học cách lắng nghe, giữ an toàn cho bản thân, học các kỹ năng điều tiết cảm xúc và phát triển lòng can đảm khi cố gắng vượt qua những hoạt động khó như: leo núi, đu dây, chèo thuyền, đi bộ đường dài…
Một nghiên cứu do Đại học Loyola ở Chicago thực hiện, phát hiện ra rằng những người tham gia liệu pháp trị liệu phiêu lưu cảm thấy rằng khía cạnh phiêu lưu và thử thách chính là động lực khiến họ thay đổi hành vi của mình tốt hơn. Những lợi ích mà liệu pháp này mang lại gồm có: kiểm soát cảm xúc, củng cố những mối quan hệ, thiết lập trách nhiệm, xây dựng sự tự tin, khuyến khích sự phát triển của bản thân, cải thiện sức khỏe và thể chất. Tuy nhiên bởi vì tiềm ẩn những rủi ro và nguy hiểm, trước khi thực hành liệu pháp phiêu lưu, bạn cần đảm bảo sức khỏe thể chất của mình thực sự phù hợp.